"Cán bộ phải gần dân, hiểu dân, có trách nhiệm với dân"
Đó là câu nói của đồng chí Tạ Ngọc Huế, nguyên Phó chánh Văn phòng Huyện ủy Yên Mô được luân chuyển về làm Bí thư Đảng ủy xã Yên Mạc rồi quay về giữ chức Phó Ban Dân vận Huyện ủy. Câu nói đầy tâm huyết ấy đã trở thành phương châm hành động trong suốt quá trình công tác dù ở bất cứ cương vị, lĩnh vực nào của người cán bộ trẻ này. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, đặc biệt là trong luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ, Yên Mô đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tạo điều kiện để rèn luyện, bồi dưỡng, thử thách cán bộ, giúp cán bộ trưởng thành nhanh, vững vàng hơn; đồng thời góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ cả trước mắt và lâu dài cho hệ thống chính trị trong huyện. Khi luân chuyển về làm Bí thư Đảng ủy xã Yên Mạc, Tạ Ngọc Huế xác định rõ: "Về cơ sở vừa là trách nhiệm, vừa là cơ hội để bản thân tích lũy kinh nghiệm thực tế…", nên chỉ sau một thời gian ngắn trên cương vị mới, người bí thư trẻ đầy tâm huyết này đã tiếp cận nhanh với công việc, nắm bắt tình hình cụ thể địa bàn, cùng với cấp ủy, chính quyền đưa Yên Mạc vượt qua khó khăn, có sự vươn lên mạnh mẽ, được cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân đồng tình, ghi nhận.
Còn với đồng chí Trần Việt Hùng, nguyên Trưởng Phòng Nội vụ huyện được luân chuyển về làm Bí thư Đảng ủy xã Lạng Phong rồi bây giờ giữ chức Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Nho Quan thì những năm tháng đi cơ sở, về làm lãnh đạo chủ chốt cấp xã là những năm tháng không thể nào quên, giúp Trần Việt Hùng trưởng thành về mọi mặt. Trần Việt Hùng cho biết: Thời gian được luân chuyển về làm Bí thư Đảng ủy xã đã giúp tôi có cơ hội được cọ sát với thực tế nhiều hơn, sâu sát cơ sở, lắng nghe ý kiến của quần chúng nhân dân để có những chỉ đạo kịp thời, đồng thời có những tham mưu đúng và trúng với cấp ủy cấp trên. Đây là môi trường vừa rèn luyện, vừa thử thách để tôi tự tin hơn khi nhận nhiệm vụ mới được phân công sau này. Tôi đã chủ động, tích cực, vừa học hỏi, vừa tìm tòi; đồng thời cùng tập thể cấp ủy tháo gỡ những khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Tôi cũng tích cực chỉ đạo cấp ủy địa phương triển khai thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" vì tôi cho rằng đây là một Nghị quyết hợp ý Đảng, lòng dân, phù hợp với tình hình hiện nay, gắn chặt thêm niềm tin giữa dân với Đảng.
Những cán bộ lãnh đạo quản lý như Tạ Ngọc Huế, Trần Việt Hùng đã góp phần đưa Nghị quyết Trung ương 4 vào hiện thực cuộc sống, làm nên một đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, luôn biết lắng nghe và có trách nhiệm trước dân, trước Đảng.
Xây dựng đội ngũ cán bộ "vừa hồng vừa chuyên"
Đồng chí Trương Đức Lộc, TVTU, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy nhấn mạnh: Trong quá trình thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ đã nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn về những vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay. Căn cứ vào những nhiệm vụ cần làm ngay mà Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ ra sau kiểm điểm, các cấp ủy đảng chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp cụ thể và đạt kết quả quan trọng. Đặc biệt, công tác tổ chức, cán bộ được triển khai tương đối đồng bộ từ khâu quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, nhận xét đánh giá cán bộ và thực hiện chính sách cán bộ. Tỉnh ủy chỉ đạo thường xuyên rà soát, bổ sung quy hoạch cấp ủy, cán bộ lãnh đạo, quản lý các ngành, các cấp; thực hiện quy trình điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử cho cán bộ đúng quy trình, quy định; thực hiện công tác nhận xét, đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ quản lý.
Điều này được thể hiện ngay từ việc xây dựng và thực hiện kế hoạch khắc phục khuyết điểm, hạn chế sau kiểm điểm. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã kịp thời cụ thể hóa, xây dựng tiêu chí đánh giá cán bộ và tiêu chí chức danh cán bộ để công tác đánh giá cán bộ sát thực hơn. Tăng cường việc phối hợp nắm bắt thông tin về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực công tác của cán bộ nói chung, cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý nói riêng, làm cơ sở cho việc nhận xét, đánh giá, quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ. Gắn công tác quy hoạch cán bộ của tỉnh với quy hoạch cán bộ lãnh đạo chủ chốt các huyện, thành phố và công tác luân chuyển cán bộ trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Định kỳ rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ, để đảm bảo phương châm "động" trong quy hoạch, tạo động lực cho cán bộ rèn luyện, phấn đấu, khắc phục tình trạng bị động, hẫng hụt trong công tác cán bộ. Ban Thường vụ cấp ủy các cấp đã xem xét toàn diện, coi trọng đảm bảo tiêu chuẩn chức danh cán bộ, sự kế thừa giữa 3 độ tuổi, quan tâm cơ cấu cán bộ trẻ và cán bộ nữ, những nhân tố mới có triển vọng, mỗi chức danh quy hoạch có từ 2 - 3 cán bộ. Chú trọng công tác luân chuyển cán bộ, nhất là cán bộ trẻ để đào tạo, rèn luyện kiến thức, kinh nghiệm thực tế cho cán bộ. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, bổ nhiệm đảm bảo tăng tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, đảm bảo tính kế thừa, phát triển. Thực hiện việc phân công, bố trí cán bộ chủ chốt các huyện, thành phố không phải là người địa phương. Trên cơ sở quy hoạch cán bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tiến hành luân chuyển 11 cán bộ để đào tạo, bồi dưỡng, thử thách; đồng thời đã kết hợp luân chuyển với việc thực hiện chủ trương bố trí cán bộ chủ chốt cấp huyện không phải là người địa phương. Từ năm 2012 đến nay, đã luân chuyển được 7 đồng chí (chiếm 88% số huyện, thành phố) về đảm nhiệm chức danh bí thư và 8/8 đồng chí trưởng công an huyện, thành phố không phải là người địa phương; chỉ đạo các cấp ủy kịp thời điều động, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý, chuẩn bị một bước quan trọng, tạo nguồn nhân sự cấp ủy nhiệm kỳ 2015-2020 và nhân sự lãnh đạo HĐND, UBND nhiệm kỳ 2016-2021.
Thực hiện chủ trương lấy phiếu tín nhiệm đối với thành viên lãnh đạo cấp ủy và cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo triển khai và tổ chức thực hiện theo đúng quy trình, quy định, đảm bảo nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, đề cao trách nhiệm của các cấp ủy, tập thể lãnh đạo và người đứng đầu các cấp; thực hiện dân chủ, khách quan, minh bạch trong việc lấy phiếu tín nhiệm và sử dụng kết quả lấy phiếu tín nhiệm.
Từng bước đổi mới quy trình lựa chọn, bổ nhiệm cán bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Đề án và triển khai thực hiện thí điểm tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phòng ở một số cơ quan, đơn vị. Đây là cơ sở quan trọng để hướng tới thực hiện việc tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp sở, ngành và tương đương. Công tác đánh giá, xếp loại cán bộ được thực hiện nghiêm túc, khách quan, đảm bảo thực chất hơn, tỷ lệ xếp loại cán bộ ở mức hoàn thành xuất sắc chức trách, nhiệm vụ đã giảm dần qua các năm. Trước năm 2012, tỷ lệ cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý xếp loại ở mức hoàn thành xuất sắc chức trách, nhiệm vụ luôn đạt trên 90%; năm 2013 giảm xuống còn 82%, năm 2014 giảm còn 57%; đối với cán bộ diện Ban Thường vụ cấp huyện quản lý đến năm 2014 giảm còn 58%.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được quan tâm, chú trọng; đã kịp thời chấn chỉnh việc cử cán bộ đi đào tạo sau đại học phải đảm bảo đúng chuyên ngành được đào tạo ở bậc đại học hoặc lĩnh vực đang công tác, ưu tiên đào tạo những ngành, lĩnh vực tỉnh đang cần. Tích cực bồi dưỡng, cập nhật kiến thức và đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ cơ sở.
Qua hơn 3 năm, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay", đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành của tỉnh đã được tập trung xây dựng đồng bộ cả về cơ cấu, số lượng và chất lượng. Cán bộ được rèn luyện, thử thách qua thực tiễn và trưởng thành về nhiều mặt, có bản lĩnh chính trị vững vàng; có tinh thần trách nhiệm, có ý thức tổ chức kỷ luật, có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực, hoàn thành nhiệm vụ được giao; nhiều đồng chí có sự đổi mới về tư duy, năng động, dám nghĩ, dám làm và quyết đoán trong công việc; sáng tạo trong vận dụng, cụ thể hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước vào thực tiễn, có kinh nghiệm chỉ đạo, điều hành, được nhân dân tín nhiệm, đáp ứng được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay.
Quỳnh Thu