Ghi nhận của phóng viên Báo Ninh Bình sau 3 ngày Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và văn bản của UBND tỉnh có hiệu lực, tại các tuyến phố, khu dân cư, người dân đã chấp hành nghiêm túc sự chỉ đạo của cơ quan chức năng. Nhiều hàng quán trên địa bàn thành phố Ninh Bình đồng loạt đóng cửa, những thông báo tạm dừng hoạt động được chủ cửa hàng dán trên những ô cửa đóng kín mít. Những tuyến phố sầm uất nay bỗng trở nên vắng lặng. Các cửa hàng, cửa hiệu đóng cửa nên người mua cũng không còn, đường phố trở nên vắng vẻ, thưa thớt người và phương tiện tham gia giao thông.
Phố 3 phường Vân Giang vẫn được người dân thành phố kháo nhau với tên gọi "Phố ăn sáng", bởi nơi đây tập trung hàng chục hàng quán bán đồ ăn sáng. Từ bún, phở, miến, bánh đa cho đến bánh cuốn, bánh mỳ, xôi... nên thường ngày từ 6 giờ đến 9 giờ sáng, không khí nhộn nhịp, tấp nập xe máy, ô tô của thực khách là cảnh quen thuộc của người dân nơi đây.
Nhưng nay con phố bỗng trở nên vắng vẻ, khác với không khí náo nhiệt thường ngày. Chị Đinh Thị Hường có sạp hàng bán bánh cuốn tại đây cho biết: Thực hiện chỉ đạo của UBND phường Vân Giang, tôi đã đóng cửa hàng, dừng kinh doanh từ ngày 28/3. Đa phần các hàng quán trong phố dừng hẳn việc kinh doanh, chỉ còn một số hàng quán có tiếng là nhận bán để khách mang về chứ tuyệt đối không có hàng nào nhận khách ăn tại quán.
Cách không xa phố ăn sáng, phố 8 phường Tân Thành cũng được mệnh danh là phố ẩm thực của giới trẻ với vô vàn những đồ ăn vặt. Nhiều hàng quán có thâm niên hàng chục năm đã "ăn nên làm ra" chỉ từ việc bán đồ ăn vặt, phục vụ nhu cầu cho lượng lớn học sinh của các trường trung học phổ thông quanh địa bàn thành phố Ninh Bình và giới trẻ. Tuy nhiên, bước sang năm nay, sự xuất hiện của dịch bệnh Covid-19, hoạt động kinh doanh của các hàng quán tại đây đã có sự suy giảm đáng kể, nhất là kể từ khi học sinh các cấp được nghỉ học để đề phòng dịch bệnh.
Bắt đầu từ ngày 28/3, đồng loạt các hàng quán tại đây đã đóng cửa. Một chủ cửa hàng cho biết: Tuy đóng cửa hàng những chúng tôi vẫn tiếp tục kinh doanh theo hình thức kinh doanh mùa dịch. Nghĩa là cửa hàng nhận bán mang về hoặc ship (giao hàng tận nhà) cho khách hàng. Tuy vậy, lượng tiêu thụ cũng suy giảm đáng để, chỉ bằng 1/3 so với trước đây.
Mới 20 giờ tối 30/3, tại nút giao Ngã ba tam giác đã thưa thớt người tham gia giao thông.
Không chỉ các hàng quán phục vụ ăn uống, nhiều cửa hàng kinh doanh khác cũng đã tạm thời đóng cửa theo chỉ đạo của chính quyền các cấp. Chị Bùi Thị Phượng, chủ cửa hàng phụ kiện điện thoại trên đường Lê Đại Hành cho biết: Tôi nhận được yêu cầu đóng cửa, tạm dừng hoạt động từ tối ngày 27/3. Ngay trong buổi tối hôm đó, tôi đã thu dọn hàng hóa tồn kho, nghiêm chỉnh chấp hành yêu cầu của chính quyền địa phương.
Tôi nghĩ đây là việc làm cần thiết khi dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, vừa giúp bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình, cũng là bảo vệ sức khỏe của cả cộng đồng. Chị Phượng cũng cho biết thêm, hàng ngày chị thường xuyên dọn dẹp, vệ sinh khuôn viên cửa hàng, sẵn sàng cho đợt mở cửa trở lại vào giữa tháng 4 tới.
Không chỉ các hàng quán có mặt bằng cố định đóng cửa, những hàng quán vỉa hè, quán nước di động cũng đã không còn xuất hiện kể từ ngày 28/3. Những buổi tối trước đây, khuôn viên quảng trường Đinh Tiên Hoàng Đế là nơi tập trung hàng chục quán nước di động. Chỉ với một chiếc xe thồ, vài bộ bàn ghế nhựa là một hàng nước đã được bày biện, sẵn sàng phục vụ.
Lượng khách đổ về đây khá nhiều, đặc biệt là dịp cuối tuần do nơi đây có không gian rộng rãi, thoáng mát, cộng thêm các chủ hàng cũng chịu chi, đầu tư thêm nhiều loại hình vui chơi giải trí khá hút khách…
Trái với sự náo nhiệt trước đây, giờ nơi đây chỉ còn lại khoảng sân sinh hoạt cộng đồng rộng lớn trải dài như bất tận, những ghế đá nằm lặng lẽ dưới ánh điện vàng vọt. Chúng tôi liên hệ với một chủ hàng quen biết thường bán hàng tại sân quảng trường Đinh Tiên Hoàng Đế được biết, từ tối ngày 27/3, Công an phường Ninh Khánh đã đến thông báo về việc các hàng quán dừng hoạt động từ 0 giờ ngày 28/3, đồng thời yêu cầu chủ hàng ký cam kết thực hiện.
Trong không gian yên tĩnh của quảng trường, có một vài người dân sinh sống xung quanh đây vẫn giữ thói quen tập thể dục tối, đi thành từng tốp nhỏ 2-3 người, đeo khẩu trang che quá nửa khuôn mặt, rảo bước trên nền gạch. Một người dân cho biết: Một số chủ hàng nước kinh doanh ở sân quảng trường cũng là hộ dân sinh sống tại khu phố 12 của phường Đông Thành, dãy phố nằm ngay sát khu vực quảng trường. Tuy khoảng cách gần như vậy song việc chấp hành của các chủ hàng rất tốt, từ ngày 28/3 đã không còn hàng nước nào kinh doanh tại đây nữa…
Có thể thấy, việc chấp hành Chỉ thị số 15 ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ cũng như văn bản số 203 của UBND tỉnh Ninh Bình đã được các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh chấp hành nghiêm túc. Việc tạm dừng hoạt động sản xuất, kinh doanh trước mắt sẽ giảm thu nhập, không còn việc làm nhưng quan trọng là góp phần giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh, đảm bảo sức khỏe của bản thân và gia đình, cũng như cho khách hàng và cộng đồng.
Bài, ảnh: Thái Học